Danh mục
Thái Phương phát triển nghề và làng nghề (28-01-2016)
Phát huy tiềm năng về đất đai và nguồn lực lao động của địa phương, những năm qua xã Thái Phương (Hưng Hà) đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để phát triển kinh tế nông nghiệp, đồng thời luôn coi trọng, duy trì, bảo tồn và phát triển sản xuất các làng nghề truyền thống, nhằm nâng cao cuộc sống cho người dân.

Đưa chúng tôi đi thăm các làng nghề quanh xã, ông Bùi Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Phương cho biết: Để về đích NTM, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã nỗ lực phấn đấu trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó xác định phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề truyền thống có vai trò quan trọng để đẩy mạnh phát triển kinh tế chung của địa phương, bởi vậy cấp ủy, chính quyền xã thường xuyên quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm hỗ trợ tích cực để các làng nghề truyền thống phát triển. Hỗ trợ các làng nghề xây dựng hạ tầng, tạo điều kiện trong quy hoạch đất đai, cứng hóa phát triển mạng lưới các tuyến đường giao thông, hỗ trợ đào tạo, dạy nghề hàng năm, tham gia hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm của các làng nghề. Cùng với đó, xã thực hiện quy hoạch Cụm công nghiệp Phương La, vừa mở rộng quy mô làng nghề, vừa thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, nâng cao đời sống cho người lao động. Xã tạo điều kiện cho các cơ sở, công ty, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh về mặt bằng, thuê đất, giải quyết và hoàn thiện các thủ tục hồ sơ pháp lý để vay vốn, ký kết hợp đồng, quản lý công nhân để hoạt động có hiệu quả. Rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã chủ động đầu tư kinh phí, ủng hộ xã xây dựng NTM: xây dựng kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm, các công trình phúc lợi, nhà văn hóa… Phát triển sản xuất nghề, làng nghề đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 2.000 lao động của địa phương. Thu nhập trung bình của người dân trong xã cũng được cải thiện, nâng cao rõ rệt, đạt gần 30 triệu đồng/người/năm.

 

Ông Đào Đình Viễn, Giám đốc Công ty TNHH Thành Bắc cho biết: Chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty, nhất là việc giải quyết thủ tục, hồ sơ pháp lý và tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia lao động để cải thiện đời sống. Công ty sản xuất mặt hàng chủ yếu là khăn bông xuất khẩu, hiện có gần 100 công nhân tại xưởng và từ 600 - 700 lao động vệ tinh. Bà Trần Thị Hoa, thôn Phú Lạc, công nhân làm tại Công ty TNHH Thành Bắc chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi làm nông nghiệp, kinh tế gia đình rất khó khăn. Tôi vào làm tại Công ty hơn 2 năm nay, công việc chính là máy khăn và sửa khăn. Công việc phù hợp với sức lao động, giờ giấc ổn định, được Công ty quan tâm, có chính sách đãi ngộ hợp lý, mức lương 5 triệu đồng/tháng, cuộc sống gia đình bớt khó khăn, có điều kiện nuôi các cháu ăn học. Là một trong những hộ làm nghề dệt khăn, anh Trần Văn Nguyễn, thôn Phương La 1 đã đầu tư mua hai máy dệt công nghiệp để phục vụ sản xuất. Anh Nguyễn cho biết: Nhờ đưa máy dệt công nghiệp vào sản xuất vừa giảm sức lao động lại tăng năng suất lên từ 3 - 4 lần so với dệt thủ công. Và nhờ đó, thu nhập trung bình một tháng của gia đình anh tăng lên 35 - 40 triệu đồng. Mọi chi phí, sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày dần cải thiện, có của ăn của để.

 

Có thể thấy, khi làng nghề được chú trọng mở rộng, phát triển đã giúp tăng thu nhập cho người nông dân, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, là chìa khóa để chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, tạo sự ổn định trong phát triển lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở địa phương.

 

Phạm Huế

Quảng cáo