Danh mục
Nông lâm thủy sản xuất giảm - nhập tăng: Cần cân đối về mặt lợi ích. (31-08-2015)
Nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản lượng xuất khẩu (XK) lớn nhưng chưa có thương hiệu quốc gia; một số loại giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao vẫn phải nhập khẩu (NK)... là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay chậm dần lại, giá trị XK liên tục sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu (NK) các mặt hàng nông sản lại tăng cao.

Xuất giảm, nhập tăng

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản 7 tháng đầu năm đạt khoảng 17 tỷ USD, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, gạo, cà phê là 2 mặt hàng có kim ngạch XK sụt giảm khá mạnh. Cụ thể, khối lượng XK gạo 7 tháng đầu năm ước đạt 3,72 triệu tấn với giá trị 1,59 tỷ USD, giảm 3,1% về khối lượng và giảm 8,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014; cà phê XK đạt 792 nghìn tấn với tổng giá trị 1,63 tỷ USD, giảm gần 34 % về khối lượng và giá trị so cùng kỳ năm trước; giá trị XK cao su giảm hơn 9,2%, chỉ đạt 760 triệu USD; giá trị XK thủy sản ước đạt 3,53 tỷ USD, giảm 17%.

Trong khi XK giảm mạnh thì NK có chiều hướng tăng mạnh. Theo đó, giá trị NK toàn ngành nông, lâm, thủy sản ước đạt 13,34 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2014. Trong số đó, một số mặt hàng XK chủ lực phải NK lượng lớn nguyên liệu phục vụ chế biến là gỗ và thủy sản. Trong 7 tháng qua, ước giá trị NK thủy sản đạt 609 triệu USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2014.

Ngay cả các sản phẩm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu tương, Việt Nam cũng phải chi lượng lớn ngoại tệ để NK. Tính chung 7 tháng đầu năm, khối lượng NK mặt hàng này là 3,75 triệu tấn, giá trị NK đạt khoảng 856 triệu USD, tăng gần 42% về khối lượng và tăng 24,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.

Theo TS. Đặng Kim Khôi, Quyền Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách Nông nghiệp (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn - Bộ NN&PTNT ), điều này khá bình thường theo quy luật cung  -  cầu thế giới. Hiện nay, nền kinh tế mở cửa, mọi giao dịch xuất nhập khẩu hay thương mại nói chung dựa trên lợi thế so sánh và cạnh tranh. Nước nào có thế mạnh về cái gì thì tập trung vào cái đó, nếu không có thế mạnh, không nhất thiết phải tự túc mà có thể NK. Nếu Việt Nam làm tốt được những sản phẩm có lợi thế như gạo, thủy sản, gỗ, trái cây thì hoàn toàn có thể sử dụng thặng dư từ việc XK để bù đắp lại phần NK. Tuy nhiên, ông Khôi cũng cho rằng, vấn đề này không thể chủ quan mà cần được xem xét kỹ càng, đòi hỏi nghiên cứu căn cơ của Bộ NN&PTNT cũng như các cơ quan chức năng liên quan nhằm tìm hiểu xem đâu là nguyên nhân chính khiến XK giảm mà NK lại tăng, làm thế nào để cân đối phù hợp về mặt lợi ích.

Tổ chức lại sản xuất theo quy mô lớn

Ông Khôi cho rằng, việc tham gia các “sân chơi” như AEC, TPP mở ra nhiều cơ hội cho nông, thủy sản Việt Nam tiến sâu hơn vào các thị trường. Tuy nhiên, có tận dụng được cơ hội hay không phụ thuộc rất lớn vào năng lực các DN của Việt Nam. Bởi khi thuế quan không còn là vấn đề đáng ngại thì các nước chắc chắn sẽ dựng lên những hàng rào phi thuế quan như kiểm soát chặt nguồn gốc xuất xứ sản phẩm hay chất lượng an toàn thực phẩm… Sản xuất trong nước cần nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu đặt ra, đồng thời phải hình thành các thương hiệu quốc gia đối với các sản phẩm XK chủ lực, thế mạnh như lúa gạo, thủy sản, đồ gỗ, hoa quả… Bên cạnh đó, cần phải tổ chức được sản xuất theo chuỗi trên quy mô lớn, hiện đại, hình thành các DN “đầu đàn” để dẫn dắt toàn ngành đi lên. Ngoài ra, cần phải có sự chung tay giúp sức của các ngành khác như công nghiệp, dịch vụ, cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ và giáo dục. “Cần có sự vào cuộc của các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ để thúc đẩy nông nghiệp phát triển chuyên nghiệp, quy mô lớn và khuyến khích sự tham gia của các DN vào ngành. Chính phủ sẽ là một “nhạc trưởng” để chỉ đạo điều phối hoạt động của các bộ, ngành được chặt chẽ, đồng bộ, đem lại hiệu quả cao” ông Khôi đề xuất.

Còn theo ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản - Bộ NN&PTNT: Xuất khẩu giảm vì ý thức DN kém. Thời gian qua, nhiều thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa, thông thoáng hơn tạo thuận lợi cho DN. Tuy nhiên, tính tự giác của DN chưa cao. Có sản phẩm XK chỉ lấy mẫu khoảng từ 5-10% để kiểm tra lô hàng cùng loại, cùng xuất xứ. còn lại tới 90-95% lô hàng đăng ký được xuất đi. Một bộ phận DN đã lợi dụng sự thông thoáng này, lách luật để hưởng lợi gia tăng, lượng lớn hàng xuất đi lại có chất lượng không đảm bảo như hàng mẫu được kiểm tra. Đó là lý do khiến nhiều sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam XK bị phát hiện sai phạm trả về và bị cảnh báo nhiều hơn vì không đáp ứng các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, Việt Nam là nước XK nông sản lớn thứ 15 trên thế giới, có mặt mạnh nhưng cũng có mặt yếu. Một trong những điểm yếu đó là nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi chất lượng chưa tốt bằng các nước nên phải NK. Chủ trương của Bộ là tiếp tục tìm kiếm và NK các loại giống tốt về Việt Nam. Tuy nhiên, điều quan trọng là trong điều kiện có thể bộ sẽ cố gắng NK giống đầu dòng về rồi nhân rộng ra, hạn chế tối đa việc NK giống thương phẩm, trừ những trường hợp phức tạp, khó khăn như giống lúa lai Trung Quốc.

Để thúc đẩy mạnh xuất khẩu nông lâm, thủy sản, trong những tháng cuối năm, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai có hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng và các chương trình tín dụng hỗ trợ sản xuất, XK nông, lâm, thủy sản theo quy định hiện hành, kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 
Báo Công Thương
Quảng cáo