Song song đó, Việt Nam còn nhiều dư địa chưa khai thác hết từ các FTA đang có, trong khi người tiêu dùng thế giới ngày càng kết nối nhiều hơn, đặc biệt thông qua thiết bị di động để mua sắm xuyên quốc gia một cách dễ dàng.
Để khai thác hiệu quả các xu hướng thương mại trên, doanh nghiệp phải xác định được thị trường mục tiêu phù hợp với sản phẩm thế mạnh của mình; trong đó, châu Á, Mỹ và châu Âu là những thị trường tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý tới 5 xu hướng tiêu dùng chính ở thị trường châu Á: An toàn và tốt cho sức khỏe; sự vui vẻ, thoải mái, hạnh phúc; sự tiện lợi, dễ sử dụng, dễ tiếp cận; kỹ thuật số và thương mại điện tử; mua sắm đa kênh.
Với cuộc sống bận rộn hơn, người tiêu dùng châu Á quan trọng sự tiện lợi. Đây là cơ hội cho các sản phẩm, dịch vụ giúp cuộc sống trở nên dễ dàng hơn như dịch vụ vệ sinh nhà cửa, sản phẩm đa chức năng, sản phẩm có hiệu quả nhanh, bữa ăn nhanh tại nhà, sản phẩm tích hợp.
Các kênh mua sắm tiện lợi dễ tiếp cận nhanh chóng liên tục tăng trưởng cao hơn so với tổng thị trường hàng tiêu dùng nhanh ở châu Á. Với xu hướng mua sắm đa kênh, doanh nghiệp (DN) nghiên cứu tăng cường phối hợp giữa các mô hình truyền thống và trực tuyến, các mô hình bán lẻ mới.
Trong khi đó, 5 xu hướng tiêu dùng chính ở Mỹ và châu Âu mà DN cần chú ý là: An toàn và tốt cho sức khỏe; sự phân cực về hàng hóa (hàng nhãn riêng và giá rẻ với sản phẩm cao cấp); tiện lợi hơn nữa; nâng cao trải nghiệm mua sắm; bền vững xã hội.
Với việc phát triển bùng nổ của ứng dụng mua sắm trực tuyến và sàn thương mại điện tử thì việc tích hợp thương mại trực tuyến và thương mại truyền thống để nâng cao trải nghiệm mua hàng là cần thiết. Thế nhưng cần xác định, trực tuyến sẽ không thay thế hoàn toàn cho những trải nghiệm thật bởi đa phần người tiêu dùng vẫn muốn cảm nhận trực tiếp, thực tế hơn. Do đó, các doanh nghiệp “thông minh” đang quay trở lại những điều cốt lõi, tập trung vào trải nghiệm thực tế và tận dụng kỹ thuật số để mang lại cho người tiêu dùng những trải nghiệm tốt hơn.
Bên cạnh đó, khi hướng tới thị tường toàn cầu, doanh nghiệp cũng cần nhạy bén với những xu hướng phản ứng nhiều hơn trước những vấn đề xã hội như rác thải, trái đất nóng lên, ô nhiễm môi trường để tập trung phát triển các sản phẩm mang lại giá trị bền vững.
Ngoài những lưu ý về thị trường, DN cũng cần quan tâm đến hoạt động thương thảo hợp đồng xuất nhập khẩu và giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, khuyến cáo DN thận trọng rủi ro trong giao dịch có yếu tố “số hóa”.
Giá trị pháp lý của hợp đồng, chứng từ điện tử không bị phủ nhận ở hầu hết quy định của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Thế nhưng, khi thực hiện giao dịch có yếu tố “số hóa” thì DN phải áp dụng công cụ số an toàn trong quá trình thực hiện hợp đồng, những giao dịch bắt buộc phải thực hiện thông qua văn bản nhằm đảm bảo yêu cầu về chứng cứ chứng minh. Mặc dù sự phát triển theo xu hướng kinh tế số là cần thiết, nhưng yếu tố về chứng cứ bằng văn bản vẫn cần được chú trọng nhằm hạn chế những rủi ro và yếu thế khi phát sinh tranh chấp.
Hiện nay, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và đặc biệt là internet, các DN Việt Nam đã và đang sử dụng internet rất nhiều và phổ biến để giao kết hợp đồng, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Thống kê của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) năm 2018, đã có 28% DN tại Việt Nam sử dụng hợp đồng điện tử.