Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức
Nhằm tuyên truyền tới doanh nghiệp và người dân hướng tới “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới”, theo bà Tô Thị Hương Lan, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Thái Bình: Trong năm 2022, Hội đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-HBVQLNTD-VP ngày 01/3/2022 triển khai đến các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; các tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hưởng ứng Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam 15/3 bằng các hình thức như: Treo băng rôn, khẩu hiệu, áp phích, ấn phẩm, tờ rơi và hoạt động tuyên truyền tại trụ sở làm việc và trên một số tuyến phố tại thị trấn các huyện và thành phố Thái Bình.
Hội cũng phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và các cơ quan thông tin truyền thông các huyện, thành phố, các xã, phường tích cực tuyên truyền hưởng ứng ngày quyền người tiêu dùng Việt Nam 15/3/2021; tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, áp phích về các văn bản hiện hành của Nhà nước có liên quan đến hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đồng thời, Hội chỉ đạo các cơ quan liên quan, các lực lượng chức năng và các đơn vị có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng; tập trung kiểm tra, xử lý các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi, thông tin sai lệch về hàng hóa, cung cấp hàng hóa không đảm bảo chất lượng, số lượng, tăng giá quá mức...do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19.
Khuyến cáo đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải nâng cao đạo đức kinh doanh, hãy là nhà sản xuất chân chính, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật nhằm bảo vệ thương hiệu, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng. Khuyến cáo đến các tổ chức, cá nhân và người tiêu dùng khi phát hiện các hành vi gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để trục lợi thì thông tin kịp thời đến Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Thái Bình qua cơ quan thường trực là Cục Quản lý thị trường hoặc các lực lượng chức năng để kịp thời kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm
Không chỉ đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp, trong công tác an toàn thực phẩm, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền Tháng hành động vì an toàn thực phẩm và phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm với các hình thức phù hợp. Trong đó, phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông để truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; treo băng rôn, khẩu hiệu, áp phích, ấn phẩm, tờ rơi và hoạt động tuyên truyền tại trụ sở làm việc; tuyên truyền đến người tiêu dùng cách nhận biết và lựa chọn thực phẩm an toàn và tác hại của việc sử dụng thực phẩm giả, kém chất lượng, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, không rõ nguồn gốc…
Phối hợp với các cơ quan đơn vị, các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, giám sát các tổ chức cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, tăng giá bất hợp lý; sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc và các hành vi vi phạm trong quảng cáo thực phẩm…Tập trung giám sát, kiểm tra các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thực phẩm chế biến và bao gói sẵn.
Trong các đơn vị của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, một số đơn vị như: Chi Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ngành Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội, đoàn thể và quần chúng nhân dân bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên 3 lĩnh vực hoạt động chủ yếu là: Tổ chức các hoạt động bình ổn giá, kiểm tra kiểm soát các hoạt động kinh doanh có điều kiện và hàng giả, cung cấp thông tin và hướng dẫn, xử lý chống hàng giả, hướng dẫn giải quyết khiếu nại tố cáo của người tiêu dùng. Các hoạt động trên đã được gắn kết, triển khai có hiệu quả, trong đó đã tổ chức tốt hoạt động bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022.
Trong đó, Cục Quản lý thị trường Thái Bình đã phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, kiểm soát chống vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm... Tổng số vụ thanh tra, kiểm tra 6 tháng đầu năm 2022: 639 vụ; xử lý 496 vụ; Tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước 1.545.863.000 đồng. Trị giá hàng hóa tang vật tịch thu ước tính: 165.812.000 đồng. Hàng hóa, tang vật bị tịch thu gồm: 563 bộ kit test Covid 19 và 796 chiếc túi, ví các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Bên cạnh đó, các Đội Quản lý thị trường tiếp tục thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát gắn với việc tuyên truyền phố biến kiến thức pháp luật nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh và trách nhiệm cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Cục Quản lý thị trường đã tuyên truyền, phổ biến pháp luật, ký cam kết 321 tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng cũng tiến hành khảo sát, đánh giá về chất lượng, đo lường, ghi nhãn các sản phẩm, hàng hoá lưu thông trên thị trường vào các dịp cao điểm như Tết Nguyên đán để tiến hành thử nghiệm, kiểm tra về chất lượng hàng hóa; Tổ chức các Đoàn thanh tra kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đo lường và chất lượng hàng hóa.
Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thái Bình cũng lồng ghép hoạt động bảo vệ quyền lợi bảo vệ người tiêu dùng với các lớp tập huấn do Tỉnh hội tổ chức và thực hiện công tác tuyên truyền về quyền lợi người tiêu dùng qua các buổi nói chuyện, sinh hoạt Hội cho chị em phụ nữ. Tham gia tích cực việc đưa hàng Việt về nông thôn, mở các quầy hàng phụ nữ với tiêu chí: An toàn – Ngon khỏe – Tiện lợi để phục vụ nhân dân.
Trưng bày “trực diện”, nâng cao nhận thức về hàng giả, hàng nhái
Có thể thấy, thời gian qua, công tác đấu tranh với vấn nạn hàng giả, hàng nhái để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình phối hợp chặt chẽ, đồng bộ. Đáng chú ý, Từ ngày 04/11/2022 đến hết ngày 10/11/2022, Cục Quản lý thị trường Thái Bình đã tổ chức trưng bày gian hàng thật - hàng giả tại Hội chợ Nông Nghiệp Quốc tế đồng bằng Bắc Bộ 2022
Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Đồng bằng Bắc Bộ 2022 với sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế, trưng bày nhiều sản phẩm chất lượng, mẫu mã phong phú, đa dạng, chính vì vậy Cục Quản lý thị trường Thái Bình đã chủ động, sáng tạo khi tổ chức trưng bày gian hàng thật, hàng giả để giúp cho người tiêu dùng có điều kiện tiếp cận, nhận biết, phân biệt được hàng thật, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ…nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất và người tiêu dùng. Đồng thời giới thiệu tổ chức hoạt động của Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Thái Bình, hướng dẫn người tiêu dùng tham gia các hoạt động của Hội.
Tại gian hàng của Cục Quản lý thị trường được trưng bày đa dạng các loại sản phẩm, hàng hoá là hàng thật, hàng giả như mỹ phẩm, giầy dép, băng vệ sinh, máy tính cầm tay, đồ điện, sơn, bệt sứ vệ sinh, phụ tùng xe máy… giúp người tiêu dùng, khách tham quan có thể dễ dàng quan sát, đối chiếu, nhận diện các loại hàng thật, hàng giả.
Thông qua việc giới thiệu sản phẩm tại gian trưng bày hàng thật, hàng giả, Cục Quản lý thị trường tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền với người tiêu dùng trong việc lựa chọn các sản phẩm hàng hoá đảm bảo chất lượng, rõ nguồn gốc xuất xứ và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Đồng thời, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng với cơ quan quản lý nhà nước trong ngăn chặn, phát hiện, xử lý các sản phẩm hàng giả, hàng nhái, hạn chế mức thấp nhất khả năng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường.
Tác giả: Thái Hưng - congthuong.vn