Danh mục
Đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư (15-11-2016)
Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã cụ thể hóa, chỉ đạo việc thực hiện các chủ trương, giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, dịch vụ, xây dựng và triển khai các cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp.

Trong các cuộc giám sát về thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh gần đây, nhiều ý kiến cho rằng: Để có nhiều việc làm cho nhân dân và tạo nguồn thu cao cho ngân sách thì phải phát triển công nghiệp, muốn phát triển công nghiệp thì phải tổ chức tốt công tác thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh đồng thời phải tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền về việc tổ chức triển khai các chính sách thu hút đầu tư... Thực tế trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã cụ thể hóa, chỉ đạo việc thực hiện các chủ trương, giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, dịch vụ, xây dựng và triển khai các cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp.

Từ năm 2001 đến năm 2010, UBND tỉnh đã ban hành 30 quyết định về cơ chế chính sách liên quan đến công tác thu hút đầu tư vào tỉnh. Các chính sách đó đã cơ bản được thực hiện nghiêm túc và được nhiều nhà đầu tư ghi nhận. Các huyện, thành phố tạo điều kiện cho các nhà đầu tư về thủ tục hành chính, công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đào tạo dạy nghề, bảo đảm an ninh trật tự. Do đó các cơ chế chính sách thu hút đầu tư đã phát huy hiệu quả, làm đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Đến nay đã có tổng số 703 dự án đầu tư vào tỉnh với số vốn đầu tư là 100.404 tỷ đồng, trong đó 450 dự án (64%) đã đi vào hoạt động với vốn đầu tư 20.470 tỷ đồng, 73 dự án (10,4%) đang trong giai đoạn xây dựng với vốn đầu tư 74.034,85 tỷ đồng, 142 dự án (20,2%) chưa nhận đất, đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục và 38 dự án đã tạm dừng hoạt động. Từ năm 2010 đến nay, số dự án đăng ký bằng 70,2%, tổng vốn đăng ký bằng 84% so với giai đoạn 2001 - 2009, trong đó 25 dự án đầu tư trong các khu công nghiệp, đạt 95% vốn đăng ký, 191 dự án xây dựng trong cụm công nghiệp thực hiện đạt 71,4% vốn đăng ký...

Các dự án đi vào hoạt động từ năm 2010 đến nay đã thu hút thêm 32.550 lao động, nâng tổng số lao động trong các khu, cụm công nghiệp lên 114.500 lao động, chiếm 57,5% tổng số lao động trong toàn ngành công nghiệp. Các dự án đi vào hoạt động đã tạo việc làm ổn định cho người lao động với mức thu nhập ngày càng tăng cao: năm 2010 trong các khu công nghiệp đạt 25,5 triệu đồng/người/năm, cụm công nghiệp đạt 24 triệu đồng/người/năm, ngoài khu - cụm công nghiệp 24 triệu đồng/người/năm. Đến năm 2013 trong khu công nghiệp đạt 45 triệu đồng/người/năm, cụm công nghiệp đạt 33,6 triệu đồng/người/năm, ngoài khu - cụm công nghiệp đạt 30 triệu đồng/người/năm.

Thực hiện chính sách khuyến khích thu hút đầu tư phát triển công nghiệp của tỉnh trong giai đoạn vừa qua đã góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng nguồn thu cho ngân sách. Mặc dù bị tác động của suy giảm kinh tế thế giới và trong nước nhưng giá trị sản xuất ngành công nghiệp của tỉnh năm 2010 đạt 22.792,2 tỷ đồng, tăng 26,9%, năm 2011 đạt 25.196,7 tỷ đồng, tăng  10,55%, năm 2012 đạt 27.284,2 tỷ đồng, tăng 8,28%, năm 2013 đạt 30.522,8 tỷ đồng, tăng 11,87%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, nếu như năm 2010 ngành nông nghiệp chiếm 34,3%, công nghiệp chiếm 32,3%, thương mại dịch vụ chiếm 33,4% thì tới năm 2013 ngành nông nghiệp giảm còn 31,97%, công nghiệp vươn lên chiếm 34,76% và thương mại dịch vụ chiếm 33,27%. Thu ngân sách của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp năm 2013 là 1.406,372 tỷ đồng, tăng 552,491 tỷ đồng so với năm 2010.

Để đẩy mạnh thu hút dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh, trong thời gian tới Thái Bình tiếp tục nâng cao nhận thức trong toàn Đảng bộ và nhân dân về vai trò của công tác thu hút đầu tư, xác định rõ đây là nhiệm vụ quyết định tới sự phát triển bền vững công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền về việc tổ chức triển khai các chính sách thu hút đầu tư trên địa bàn đồng thời nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, vai trò của các đoàn thể nhân dân trong việc thực hiện giải phóng mặt bằng.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, lợi thế của địa phương, các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng trong việc tư vấn, hướng dẫn, giải quyết các thủ tục cho nhà đầu tư. Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh. Quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Thu Thủy - Báo Thái Bình

 
Quảng cáo