Theo các quy định sửa đổi của Đạo luật Phòng chống nguy hại thuốc lá, Đài Loan sẽ cấm việc bán, sản xuất và cung cấp thuốc lá điện tử trong khi các sản phẩm thuốc lá đun nóng (heated tobacco products (HTPs) sẽ buộc phải tuân theo quy định chặt chẽ hơn.
Các nhà sản xuất hoặc nhập khẩu HTPs sẽ phải nộp báo cáo đánh giá rủi ro sức khỏe để xem xét trước khi họ có thể nhận được giấy phép.
Ngoài ra, việc quảng cáo thiết bị đun nóng cho những sản phẩm như vậy cũng sẽ bị cấm.
Những thay đổi khác bao gồm tăng tuổi hút thuốc hợp pháp từ 18 lên 20, tăng tỷ lệ cảnh báo trên bao bì thuốc lá từ 35% lên 50% và chỉ định các trung tâm chăm sóc trẻ em cũng như trường học các cấp là khu vực cấm hút thuốc.
Động thái này được ca ngợi là thắng lợi một phần của các nhóm chống thuốc lá sau nhiều năm kêu gọi kiểm soát chặt chẽ hơn thuốc lá điếu và các sản phẩm thuốc lá mới. Lần gấn nhất Đạo luật phòng chống nguy hại của thuốc lá được sửa đổi là vào năm 2009.
Một trong những phần gây tranh cãi của bản sửa đổi là cách thức quản lý các sản phẩm thuốc lá có hương vị. Các nhà phê bình cho rằng sự thay đổi này không đủ táo bạo vì nó chỉ cấm sử dụng các chất phụ gia bị cấm, nhưng điều này có thể tạo ra kẽ hở vì thuật ngữ mơ hồ.
Tốc độ thanh thiếu niên ở Đài Loan tiếp cận vaping thật đáng lo ngại. Một cuộc khảo sát của Cục Quản lý Nâng cao Sức khỏe (HPA) chỉ ra rằng nhóm người sử dụng thuốc lá điện tử ở các trường trung học cơ sở đã tăng từ 1,9% năm 2018 lên 3,9% vào năm 2021, trong khi đó ở các trường trung học phổ thông và dạy nghề tăng từ 3,4% lên 8,8% trong cùng thời gian.
Thiết kế mới lạ và hương vị đa dạng dường như là một phần nguyên nhân thúc đẩy sự phổ biến của các sản phẩm vaping trong giới trẻ. HPA cho biết điều này có thể gây hại cho sức khỏe vì 90% các sản phẩm như vậy được phát hiện có chứa nicotin.