Để khơi dậy và phát huy tiềm năng, thế mạnh, các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, thời gian qua, Thái Bình đã quan tâm, quyết liệt chỉ đạo thực hiện chương trình OCOP. Sản phẩm OCOP đã mở ra hướng phát triển mới, bền vững và từng bước hình thành nhóm sản phẩm đặc sản của từng địa phương.
Vịt biển, trứng vịt biển Đông Xuyên của HTX chăn nuôi tổng hợp xã Đông Xuyên (Tiền Hải) là 2 trong nhiều sản phẩm tham gia “sân chơi” OCOP năm 2020 và được công nhận 4 sao.
Ông Ngô Văn Duẩn, Giám đốc HTX cho biết: Trước khi tham gia chương trình OCOP, HTX đã lựa chọn vật nuôi tiềm năng, định hướng thành viên chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học với mong muốn nâng cao giá trị chăn nuôi, tạo sản phẩm riêng biệt. Việc được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao thêm một lần nữa khẳng định và tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho HTX và thành viên vào con đường mình đang đi. Tham gia chương trình OCOP, thị trường tiêu thụ hai sản phẩm của HTX được mở rộng, chúng tôi cũng được tiếp cận với nhiều khách hàng, từ đó kết nối, tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, khi được mang thương hiệu sản phẩm OCOP, giá trị của trứng, vịt thương phẩm nâng cao, thậm chí gấp đôi so với thịt và trứng vịt thường nhưng sản phẩm của HTX vẫn không đủ cung cấp cho thị trường.
Xác định lợi ích thiết thực từ chương trình OCOP và cũng là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, huyện Kiến Xương đã quan tâm triển khai chương trình OCOP với việc lựa chọn, phát triển sản phẩm OCOP đặc trưng, tiêu biểu trong các HTX, doanh nghiệp và hộ dân trên địa bàn, bước đầu có hiệu quả. Sản phẩm OCOP năm 2020 của huyện gồm rượu đinh lăng của Công ty TNHH Phù sa sông Hồng Thái Bình và mắm cáy của HTX SXKD dịch vụ thủy sản xã Hồng Tiến được đánh giá, phân hạng đạt tiêu chuẩn 4 sao.
Ông Trần Văn Kiểm, Giám đốc HTX SXKD dịch vụ thủy sản xã Hồng Tiến cho biết: Trước đây chúng tôi đã sản xuất ra sản phẩm rất chất lượng nhưng chưa được nhiều người biết đến. Sau khi tham gia chương trình OCOP, mắm cáy Hồng Tiến được tư vấn, hỗ trợ thay đổi bao bì, nhãn mác; đặc biệt là được tham dự nhiều hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh, nhờ đó sản phẩm đã được tiếp thị đến người tiêu dùng nhiều hơn, sản lượng tiêu thụ tăng cao.
Cùng với vịt biển, trứng vịt biển Đông Xuyên, mắm cáy Hồng Tiến, nhiều sản phẩm khác tham gia chương trình OCOP năm 2020 đã và đang không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm và gia tăng giá trị. OCOP từ chỗ là cái tên xa lạ với người sản xuất, người dân, thậm chí không ít cán bộ, công chức đến nay đã trở thành quen thuộc. Năm 2020, Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh đã có những việc làm cần thiết như tăng cường tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn về xây dựng sản phẩm OCOP… Nhờ đó, dù là năm đầu tiên triển khai chương trình nhưng đã tạo được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của nhiều chủ thể, các địa phương. Hết năm 2020, toàn tỉnh có 17 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng 4 sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Ông Đỗ Quý Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết: OCOP là một chuỗi sáng tạo không ngừng, chỉ có điểm khởi đầu không có điểm kết thúc. Do đó, dù đã được công nhận là sản phẩm OCOP nhưng các chủ thể kinh tế vẫn phải nỗ lực đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ vững tiêu chí đã được công nhận, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường, hướng tới xuất khẩu.
Năm 2021, Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh đặt ra mục tiêu tiếp tục tham mưu, tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh; khảo sát, đánh giá, tư vấn, hướng dẫn 39 chủ thể đăng ký tham gia chương trình OCOP, phấn đấu có thêm 15 sản phẩm OCOP cấp tỉnh được công nhận đạt 3 sao trở lên. Điều này không quá khó bởi Thái Bình có nhiều nghề truyền thống, sản phẩm truyền thống và đa dạng các loại nông sản.
Theo kế hoạch, sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức đến mọi tầng lớp nhân dân; đào tạo, tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm và tổ chức các hoạt động chuyên đề về chương trình OCOP; tìm kiếm ý tưởng, hỗ trợ phát triển sản phẩm; nghiên cứu xây dựng trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố Thái Bình và hướng dẫn các huyện, thành phố, các tổ chức kinh tế xây dựng các điểm bán hàng OCOP theo quy định. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, kết nối với các đối tác tiêu thụ sản phẩm; tăng cường đưa các sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ, cung cấp dịch vụ xúc tiến thương mại điện tử...
Nguồn: Ngân Huyền Báo Thái Bình