Nhắc đến Thái Bình, du khách thường nhớ đến một miền quê thanh bình, giản dị, nổi tiếng với hai chữ quê lúa thân thương. Thái Bình là tỉnh có lịch sử văn hóa lâu đời, có nhiều làng nghề truyền thống với các đặc sản nổi tiếng như: nộm sứa, bánh cáy, bánh gai, ổi bo,... trong đó phải kể đến bánh đa làng Đợi – Quỳnh Côi.
Quỳnh Côi là một thị trấn nhỏ cách thành phố Thái Bình chừng hơn 20km, nằm giữa những đồng lúa trù phú, bạt ngàn ...
Bánh đa Quỳnh Côi Đặc sản đồng quê Thái Bình
Nhắc đến Thái Bình, du khách thường nhớ đến một miền quê thanh bình, giản dị, nổi tiếng với hai chữ quê lúa thân thương. Thái Bình là tỉnh có lịch sử văn hóa lâu đời, có nhiều làng nghề truyền thống với các đặc sản nổi tiếng như: nộm sứa, bánh cáy, bánh gai, ổi bo,... trong đó phải kể đến bánh đa làng Đợi – Quỳnh Côi.
Quỳnh Côi là một thị trấn nhỏ cách thành phố Thái Bình chừng hơn 20km, nằm giữa những đồng lúa trù phú, bạt ngàn thẳng cánh cò bay. Nơi đây có nghề tráng bánh đa cổ truyền với bí quyết riêng, không lẫn với bất cứ nơi đâu. Nhận thấy lợi thế của địa phương về vùng nguyên liệu sẵn có và những kinh nghiệm đúc kết từ nghề làm bánh đa truyền thống, năm 2018, Hộ kinh doanh Hoàng Phó Nam đã mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị, mở rộng mô hình sản xuất tạo ra sản phẩm bánh đa Quỳnh Côi dai giòn, thơm ngon đặc trưng, mang đậm hương vị của lúa gạo vùng Đồng bằng Bắc Bộ.
Mọi công đoạn sản xuất bánh đa Quỳnh Côi của cơ sở đều được thực hiện một cách nghiêm ngặt, kĩ lưỡng từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến chế biến sản phẩm. Nhờ chuyển giao công nghệ hiện đại, Hộ kinh doanh Hoàng Phó Nam đã thay đổi quy cách sản xuất từ phơi bánh ngoài trời, vo gạo làm thủ công sang máy móc, thay sức người bằng sức máy hiện đại hơn. Bánh đa được làm từ nguồn nguyên liệu gạo sẵn có của quê hương, sử dụng loại dầu ăn đạt chuẩn chất lượng, muối biển và nước sạch đủ điều kiện sản xuất. Những hạt gạo tẻ trắng ngần, to tròn đều được vo kĩ rồi đem ngâm khoảng hai tiếng đồng hồ. Khi hạt gạo đã mềm, đổ gạo vào máy xay nhuyễn. Máy sẽ hút bột nhuyễn qua nồi hấp chín, bột được tán đều mỏng trên khuôn sẽ qua giàn sấy khô khoảng 80% thì cho ra lu cuộn. Mỗi lu cuộn được khoảng 30 - 40kg bánh. Các cuộn bánh sẽ được ủ khoảng 7 - 8 tiếng thì được đưa ra máy thái. Bánh đa được thái thành sợi to, sợi nhỏ tùy theo yêu cầu của khách hàng. Sau khi bánh thái xong sẽ được đưa vào cuộn, gấp rồi đưa vào sấy trong phòng sấy tách ẩm. Quá trình sấy khô ở nhiệt độ cao giúp cho bánh không bị bám bụi bẩn và giữ nguyên được hương vị đậm đà của gạo. Cách làm này thay thế hoàn toàn công đoạn phơi thủ công bằng ánh nắng mặt trời theo phương pháp truyền thống. Cuối cùng, sau khi sấy khô, bánh đa sẽ được chuyển ra ngoài và đưa vào đóng gói bằng túi nilon chuyên dụng để sản phẩm luôn được an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, bánh đa Quỳnh Côi không chứa các chất phụ gia, chất bảo quản nên rất an toàn cho người sử dụng. Nhờ tự động hóa nhiều khâu trong sản xuất nên năng suất sản phẩm được nâng lên đáng kể, từ quy mô vừa và nhỏ đã phát triển lên quy mô lớn, tiêu thụ hơn 120.000 tấn gạo/năm.
Bánh đa Quỳnh Côi đã có từ lâu đời, được lưu truyền trở thành đặc sản mà đi đâu người ta cũng nhắc đến. Những sợi bánh vừa dai vừa mỏng, thơm ngon, khiến ai một lần thưởng thức cũng sẽ nhớ mãi. Không chỉ vậy, bánh đa còn là một trong những nguyên liệu quan trọng làm nên các món canh cá, phở, hoặc có thể nấu, xào với bất kì thực phẩm nào tùy thích. Sản phẩm bánh đa của Hộ kinh doanh Hoàng Phó Nam vừa có thương hiệu vừa đảm bảo chất lượng nên được rất nhiều khách hàng lựa chọn sử dụng, thích hợp để làm món ăn tiện dụng và làm món quà ý nghĩa dành tặng người thân, bạn bè.
Từ quà tặng tuyệt vời của đồng quê, qua công đoạn chế biến tỉ mỉ và khắt khe, bánh đa Quỳnh Côi đã trở thành đặc sản đáng tự hào của người dân huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình). Có thể nói, bánh đa Quỳnh Côi đang từng bước khẳng định được chỗ đứng của mình trên thị trường trong nước đồng thời hướng đến thị trường quốc tế, xứng đáng là một trong những sản phẩm tiêu biểu của OCOP Thái Bình năm 2020.