"Bao giờ cho tới tháng Mười
Thổi nồi cơm nếp vừa cười vừa ăn"
Bao thế hệ nay, người ở xã Thụy Ninh, Thái Thụy, tỉnh Thái Bình luôn ngầm tự hào, kiêu hãnh khi được trời đất hào phóng ban tặng cho hai thứ di sản vô giá làm “của để dành” cho muôn đời con cháu. Ấy là tiếng hát chèo. Và giống lúa “Nếp cái hoa vàng”. Người xưa gọi nếp cái hoa vàng như xưng tên một nàng công chúa: “Nếp Hoàng hoa”.
Lật mở tác phẩm “Vân đài loại ngữ” của nhà bác học Lê Quý Đôn, thấy ông trân trọng xếp “Nếp hoàng hoa” vào hạng của quý nhất, nhì trong tất thảy 29 loại lúa nếp có mặt trên dải đất hình chữ S. Nhà bác học ấy đã có những dòng nhận xét có vẻ như không thể thú vị hơn, rằng: “Nếp Hoàng Hoa (Nếp Hoa vàng), lại gọi là nếp ả, cây to, hột nhiều, bông cao; hột lúa dẹp mà to vàng, hột gạo trắng, xôi mềm và thơm…”.
Người ta bảo, “cái anh” nếp cái hoa vàng đến với người xã Thụy Ninh từ trước khi đức thủy tổ của dòng họ Lê Công, ngài Lê Cương Xuyên chính thức rời trang ấp vào kinh tham gia khoa thi hội. Kỳ thi tứ khoa Ất Mùi do nhà vua Mạc Đăng Doanh tổ chức vào năm 1535, lấy Tiến sĩ. Khoa thi ấy, ngài Lê Cương Xuyên đã đỗ học vị: “Lê Triều Đệ Tam Giáp Đồng Tiến sĩ Xuất Thân!”. Như vậy, giống lúa nếp cái hoa vàng đã trở thành tri âm, tri kỷ với người xã Thụy Ninh từ hơn 486 năm trời nay rồi còn gì?!
Cũng là đồng đất vùng châu thổ ấy. Cũng là hưởng chung nguồn phù sa mầu mỡ của con sông Hóa đó thôi, nhưng kỳ lạ sao, cả một vùng rộng lớn của huyện Thái Thụy (và các địa phương lân cận), lại chỉ riêng có xã Thụy Ninh mới cấy được thứ nếp cái hoa vàng đạt chất lượng bậc nhất. Càng diệu kỳ hơn, khi xã Thụy Ninh có tới cả chục khu cánh đồng mênh mông thẳng cánh cò bay, vậy nhưng, lại chỉ riêng duy nhất khu cánh “đồng sau” mới cho ra thứ gạo nếp cái hoa vàng “chuẩn không cần chỉnh”.
Đồng sau với diện tích xấp xỉ gần 5 ha, nằm liền khoảnh với đất làng; tiếp giáp với đồng cửa đình và đồng thần. Từ cổ chí kim, người xã Thụy Ninh chưa hề làm cái việc kiểm tra độ pH trong đất của cánh đồng sau phì nhiêu ở cấp độ nào. Nhưng họ lại hiểu thiết kế địa tầng, địa mạo của cánh đồng sau của mình còn hơn cả lòng bàn tay.
Lớp trên cùng mặt ruộng là tầng đất phù sa trầm tích. Bên dưới nó tồn tại thứ đất thịt màu vàng như mỡ gà, nhưng pha cát ít nhiều, tạo nên sự tơi xốp đặc trưng có một không hai. Tầng cuối cùng là cát trước khi gặp thứ tạp chất tự nhiên thời nguyên thủy. Chỉ với kết cấu thổ nhưỡng đặc biệt đó, chất lượng gạo nếp cái hoa vàng của cánh đồng sau mới là “anh cả” của mấy chục loại nếp khác nhau với cái tên chung chung mơ hồ: “nếp hương”. Người xã Thụy Ninh tự hào và tự tin quả quyết như thế.
Thu hoạch xong vụ chiêm, người xã Thụy Ninh háo hức bắt tay vào vụ mùa bằng việc gieo cấy “cái anh” nếp cái hoa vàng với một tâm thế xúc cảm đầy linh thiêng. Là giống lúa sinh ra hạt gạo dẻo thơm đặc trưng độc nhất vô nhị một thuở chỉ dùng để tiến vua cho nên, người xã Thụy Ninh dành cho nếp cái hoa vàng một tình cảm đặc biệt ngay từ lúc gieo hạt mạ đầu tiên. Dẫu không hề có bất cứ một sự mặc định thành văn nào hết, nhưng từ “ngày xửa,… ngày xưa” cũng như thời 4.0 bây giờ, người xã Thụy Ninh chỉ duy trì phương pháp canh tác duy nhất với lúa nếp cái hoa vàng. Đó là phương pháp: Hữu cơ!
Đầu tháng Mười ta, lúc trời rót cái thứ nắng vàng nhàn nhạt và thông thống những làn gió hanh hao khô giá từ phương Bắc tràn về. Ấy cũng là lúc bầy chim gáy thi nhau râm ran gọi bầy là cả một biển lúa nếp cái hoa vàng rực rỡ trên cánh đồng sau của xã Thụy Ninh rũ bông trĩu nặng những hạt nếp lấp lánh ánh vàng căng tròn thây lẩy như trong cổ tích. Đấy chính là lúc những bông nếp cái hoa vàng rực rỡ âm thầm gửi đi một tín hiệu lạc quan: Lại một mùa Tết cơm mới thiêng liêng nữa lại về với người xã Thụy Ninh.
Lúa vàng theo chân người từ cánh đồng sau về nhà, việc đầu tiên người xã Thụy Ninh phải làm là tiến hành chọn giống dành cho vụ mùa sang năm. Việc này thường được giao cho người có kinh nghiệm chọn giống giỏi nhất gia đình. Trang trọng và đầy những tỉ mẩn, công phu, người ta lựa trong cả một đống lúa tươi khổng lồ còn vương mùi đồng đất và mùi ngai ngái đặc trưng của thứ rơm tươi những bông đạt tiêu chuẩn giá trị nhất để làm giống cho mùa sau.
Đã thành một lối ứng xử văn hóa mang tính truyền thống, người xã Thụy Ninh dành cho hạt nếp cái hoa vàng một sự nâng niu, trân trọng hiếm thấy. Người ta không bao giờ dùng những hòn đá tròn, dài nặng tới vài chục ki - lô để lăn trục. Hoặc sử dụng những kẹp tre néo từng gồi lúa lại rồi vung cao đập thật mạnh xuống những chiếc cối đá cũng như bất cứ hành vi mang tính thô bạo nào với thứ nếp cái hoa vàng nhằm tách hạt của chúng ra khỏi bông.
Vẫn là từ thuở ông bà ông vải tới nay, để không “làm đau” cái hạt thóc vàng quý hiếm trời - đất ban tặng cho riêng mình, người xã Thụy Ninh cẩn thận dùng đôi đũa ăn cơm kẹp vào từng bông lúa rồi nhẹ nhàng tuốt nhẹ một cái khiến những hạt thóc rời khỏi bông. Còn nếu không, người ta gom những bông lúa thành từng túm nhỏ như nắm tóc đuôi gà của cô thiếu nữ tuổi hoa hàm tiếu rồi thận trọng dùng chiếc bát ăn cơm cào nhẹ vào phần hạt thóc khiến chúng rời ra.
Những đêm trăng suông tháng Mười mặt đất trở nên lõa thể bởi thứ trăng vàng nhễ nhại. Và, sương giá giăng màn mờ ảo như cổ tích, trời đất se lạnh cữ thu hoạch lúa nếp cái hoa vàng ấy dẫu năm đó được mùa hay thất bát thì vẫn cứ là dịp vui tưng bừng nhất trong năm của người xã Thụy Ninh. “Vui như Tết” vẫn là đám trẻ mới lớn chúng tôi.
Lúc người lớn mặt mày rạng rỡ hoan hỉ hăm hở đôn đáo tay năm tay mười với việc tuốt lúa, những cô những cậu học trò trường làng trong khi hồi hộp háo hức ngóng chờ mẻ cốm giòn tan thơm ngậy béo bùi kết tinh tinh túy của TRỜI - ĐẤT. Và kết tinh những giọt mồ hôi mặn chát cùng những lời thầm thì cầu mong trời yên biển lặng để tới tháng Mười được “thổi nồi cơm nếp vừa cười vừa ăn” của các đấng sinh thành, anh chị, đám “ranh con” chúng tôi tự nguyện xăng xái mang những cọng rơm từ trong nhà ra sân. Chẳng cần ai bày vẽ, đám trẻ phấn khích buộc những cọng rơm nếp cái hoa vàng ấy thành từng túm nhỏ.
Những túm rơm được dựng lên và tãi phần cuống ra sân theo kiểu gọng vó. Loáng một cái, cả một khoảng sân lớn với cơ man nào những túm rơm còn vương mùi đồng đất. Và rồi thoáng chốc, trong cái không gian ngập ngụa ánh trăng vàng và mờ ảo trong làn sương khói cổ tích của đêm tháng Mười huyền ảo, những túm rơm trông như những ngọn tháp vững chãi. Mà lại hao hao những túp lều tý hon của những cư dân miền châu thổ thuở hồng hoang. Lũ trẻ lau nhau phấn khích chọn những túp lều đẹp nhất làm nhà của mình. Và, chính từ cái túp lều rơm ấy, mà “Tôi sinh ra từ cọng rơm vàng” - (“Cọng rơm vàng” - Trịnh Thanh Sơn).
Chán chê với trò nhà cửa, đám trẻ nằm lăn ra bên cạnh những bó rơm vàng duỗi chân duỗi tay ngửa mặt mơ màng nhìn trăng; nhìn những làn sương khói hư thực giăng màn để tận hưởng niềm xúc cảm thiêng liêng đặc biệt: “…Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm/ Tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng/ Trong hơi ấm nhiều hơn chăn đệm/ Của những cọng rơm xơ xác gầy gò…” - (“Hơi ấm ổ rơm” - Nguyễn Duy).
Với người xã Thụy Ninh, “những cọng rơm vàng xơ xác gầy gò” còn là thứ nguyên liệu quý giá tạo nên những cây chổi lúa nhỏ to các kiểu. Không chỉ có vậy, cho rằng, là thứ rơm thanh sạch nhất trong tất cả các loại rơm, người xã Thụy Ninh trịnh trọng đốt những cọng rơm nếp cái hoa vàng của mình để lấy tro cho vào lư lập nên nghững bát hương mới. Còn không, dùng tro ấy thay vào chỗ tro cũ trong các lư hương dịp ông Công ông Táo. Và nữa, thứ tro ấy cũng được dùng cho những bát hương thờ tự nơi đình chùa, miếu mạo.
Mùa thu hoạch nếp cái hoa vàng cũng là mùa Tết cơm mới của người xã Thụy Ninh. Nói là mùa là bởi người xã Thụy Ninh không có lệ tổ chức Tết cơm mới vào ngày 10. 10 âm lịch hằng năm như thiên hạ. Người xã Thụy Ninh tổ chức lễ đón Tết cơm mới theo điều kiện, hoàn cảnh của riêng mỗi gia đình. Nhà nào phơi khô quạt sạch được “cái anh” nếp cái hoa vàng sớm thì thực hiện nghi lễ đón Tết cơm mới trước.
Những ngày tháng 10 đầy thương nhớ ấy, khắp xã Thụy Ninh thơm mùi xôi nếp cái hoa vàng. Đấy là thứ hương vị vô cùng đặc trưng, chỉ riêng “cái anh” nếp cái hoa vàng mới tạo nên được mà không bút lực nào tả cho hết được. Thiên hạ một mực cho rằng, “cái anh” nếp cái hoa vàng xã Thụy Ninh có “thương hiệu” đặc biệt như vậy chính là nhờ ĐẤT của cánh đồng sau.
Nói thế xem ra mới “đúng” chứ chưa phải “đủ”. Hạt nếp cái hoa vàng xã Thụy Ninh trở nên trứ danh còn là ở cái lối ứng xử với đầy nhân văn của bà con nông dân nơi đây với một thứ di sản văn hóa vật thể vô giá mà bao đời cha ông chắt chiu để lại cho con cháu họ hôm nay, ngày mai, ấy vậy!