Không chỉ được biết đến là một trong những cái nôi của nghệ thuật múa rối nước Việt Nam, làng Nguyễn, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình còn nức tiếng gần xa với món đặc sản bánh cáy, một thời là sản vật tiến vua. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng Nguyễn hiện nay vẫn giữ nguyên được nét văn hóa và thương hiệu của một làng nghề truyền thống không bị mai một bởi thời gian.
Bánh cáy làng Nguyễn đã có cách đây hơn 200 năm và có nguồn gốc từ bánh chè lam. ...
BÁNH CÁY THIÊN ĐỨC - ĐẶC SẢN LÀNG NGUYỄN
Không chỉ được biết đến là một trong những cái nôi của nghệ thuật múa rối nước Việt Nam, làng Nguyễn, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình còn nức tiếng gần xa với món đặc sản bánh cáy, một thời là sản vật tiến vua. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng Nguyễn hiện nay vẫn giữ nguyên được nét văn hóa và thương hiệu của một làng nghề truyền thống không bị mai một bởi thời gian.
Bánh cáy làng Nguyễn đã có cách đây hơn 200 năm và có nguồn gốc từ bánh chè lam. Bánh do bà Nguyễn Thị Tần, đời thứ 6 tộc họ Nguyễn Công, làng Nguyên Xá sáng chế. Vốn là người thông minh, học giỏi, năm 1739, bà được tuyển vào cung phụ trách dạy bảo công chúa và các phi tần. Trong cung vua, phủ chúa, bà được thưởng thức nhiều của ngon, vật lạ. Nhưng vốn xuất thân nơi thôn dã, nên bằng chính những nguyên liệu sẵn có từ quê hương đồng nội, bà đã chế biến ra một loại bánh mới có tên là bánh ngũ vị. Sau khi đem tiến vua, được vua Lê Hiển Tông khen ngon liền đặt tên là bánh cáy vì nhìn miếng bánh có xen nhiều màu sắc bắt mắt trông giống trứng con cáy. Từ đó, bánh cáy gắn liền với quê hương Nguyên Xá và được lưu truyền, phát triển cho đến ngày nay.
Với mong muốn gìn giữ và phát huy nghề làm bánh cáy truyền thống tại địa phương, năm 1997, Hộ kinh doanh Trần Văn Đức đã mạnh dạn đầu tư máy móc, nhà xưởng hiện đại để tạo nên sản phẩm bánh cáy Thiên Đức mang hương vị đặc trưng riêng, chất chứa tấm quê chân tình của người dân làng Nguyễn.
Để làm ra bánh cáy thơm ngon đòi hỏi sự công phu và tỉ mỉ của người thợ làm bánh, trước đó ít nhất khoảng nửa tháng, mỡ lợn đã được thái nhỏ hạt lựu rồi ướp trộn với đường cho thấm. Sau đó, gần đến lúc làm bánh, nguyên liệu này tiếp tục được đem xào cho đến khi khẩu mỡ đạt độ trong và giòn. Các phụ liệu như lạc, vừng cũng được bà con rang chín, xát nhẹ để bỏ vỏ. Gấc, gừng tươi, vỏ quýt tươi đem xào đường rồi để riêng. Nếp làm bánh phải là loại nếp cái hoa vàng vừa thơm vừa dẻo, được chia làm ba phần, trong đó, hai phần để nấu xôi, một phần để làm bỏng (còn gọi là làm nẻ). Gạo nấu xôi tiếp tục đem chia đôi, một nửa nấu xôi gấc cho màu đỏ và nửa còn lại nấu với nước quả dành dành để tạo màu vàng tươi. Sau khi hai loại xôi đã chín, người dân đem trộn với nhau rồi giã nhuyễn. Hỗn hợp quyện đều tiếp tục được cán mỏng, cắt thành lát nhỏ dài như mứt bí rồi sấy khô. Phần gạo nếp còn lại, người dân rang thành bỏng cho nở bung, sau đó sàng sẩy sạch trấu để có mớ nẻ dậy mùi thơm. Sau khi đã sơ chế hoàn chỉnh, người làm đem hỗn hợp trên trộn đều với mật mía và đổ vào chảo, đảo đều tay cho tới khi dậy mùi thì múc vào khuôn gỗ đã lót sẵn vừng bên trong để tạo hình. Bánh khi cứng lại được lấy ra khỏi khuôn và khoác lớp áo vừng bóng bẩy bên ngoài.
Ngày xưa người dân ở làng Nguyễn chỉ làm bánh để ăn và làm quà trong những ngày lễ, Tết, còn bây giờ thì sản xuất quanh năm do nhu cầu của thực khách. Nếu có một lần được thưởng thức hương vị bánh cáy Thiên Đức, thực khách sẽ cảm nhận được một món quà quê ngon mà bình dị. Cầm trên tay miếng bánh cáy, người ta sẽ thấy rõ nhất mùi cơm dừa thơm bùi, cảm nhận rõ chất đường keo dính, vị cay the the của những sợi gừng tươi. Những ngày mùa đông lạnh giá, cả gia đình và người thân ngồi quây quần bên nhau cùng đĩa bánh cáy với ấm trà nóng, chia sẻ với nhau về những câu chuyện trong năm thì thật là tuyệt vời.
Hiện nay, bánh cáy Thiên Đức đã được người tiêu dùng đón nhận và yêu thích. Sản phẩm đang được phân phối rộng khắp 64 tỉnh thành trên cả nước và sắp tới sẽ định hướng xuất khẩu sang sang Lào, Campuchia và Trung Quốc.
Mặc dù, tại huyện Đông Hưng có rất nhiều cơ sở sản xuất bánh cáy, nhưng xưởng chế biến thực phẩm bánh kẹo đặc sản Thiên Đức vinh dự là đơn vị đầu tiên tham gia OCOP và được sự giúp đỡ của cán bộ chuyên môn huyện. Đây chính là động lực để Hộ kinh doanh Trần Văn Đức chú trọng hơn nữa, tập trung nâng cao chất lượng bánh cáy tại cơ sở. Đồng thời, tham gia OCOP là cơ hội lớn để thương hiệu bánh cáy Thiên Đức có bước tiến xa hơn, được tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng trong nước cũng như quốc tế./.