Nói đến Thái Bình không thể không nhắc đến bánh cáy làng Nguyễn bởi những nét độc đáo riêng, với nguyên liệu được làm hoàn toàn từ những nông sản của địa phương: gạo nếp, mứt bí, vừng, lạc..
Sự tích bánh cáy làng Nguyễn được thế hệ người dân Nguyên Xá – Đông Hưng lưu giữ và truyền tụng với câu chuyện bắt nguồn từ Tổ nghề Nguyễn Thị Tần (sinh năm 1725), đã từng làm Nhũ mẫu trong cung.
Tinh hoa ẩm thực
Bà Nguyễn Thị Tần đã dùng kinh nghiệm làm bánh chè ở quê hương, thêm hương liệu gia vị đồ ngự của vua làm thành một thứ bánh đem cho ...
Nói đến Thái Bình không thể không nhắc đến bánh cáy làng Nguyễn bởi những nét độc đáo riêng, với nguyên liệu được làm hoàn toàn từ những nông sản của địa phương: gạo nếp, mứt bí, vừng, lạc..
Sự tích bánh cáy làng Nguyễn được thế hệ người dân Nguyên Xá – Đông Hưng lưu giữ và truyền tụng với câu chuyện bắt nguồn từ Tổ nghề Nguyễn Thị Tần (sinh năm 1725), đã từng làm Nhũ mẫu trong cung.
Tinh hoa ẩm thực
Bà Nguyễn Thị Tần đã dùng kinh nghiệm làm bánh chè ở quê hương, thêm hương liệu gia vị đồ ngự của vua làm thành một thứ bánh đem cho Thái tử ăn thay cơm. Thời vua Lê Chiêu Thống (1786-1789) đất nước loạn lạc, bà xin về quê nhà, đem kỹ thuật chế biến nem công chả phượng, cách làm bánh cáy truyền dạy cho nhân dân. Từ đó, nhờ công sức truyền dạy của bà cộng với sự chế biến tài tình của những người thợ và nguyên liệu sẵn có tại địa phương đã làm ra một đặc sản gắn liền với tên “Bánh cáy làng Nguyễn”.
Năm 2014, tại hội thảo khoa học về lịch sử bánh cáy làng Nguyễn, Kiệt triết công thần bảo mẫu đại vương Nguyễn Thị Tần chính thức được UBND tỉnh Thái Bình công nhận là tổ nghề bánh cáy.
Nét độc đáo của bánh cáy làng Nguyễn chính là sự kết hợp các nguyên liệu từ hoa màu trong đời sống, tạo nên một thứ bánh dẻo, thơm và có hương vị đặc trưng. Nguyên liệu phải chọn lựa kỹ càng, gồm có nếp cái hoa vàng tròn mẩy, gấc chin đỏ, lạc, vừng rang vàng, mứt bí dẻo thơm, mạch nha, tinh dầu hoa bưởi.
Để làm một phong bánh cáy, đòi hỏi nhiều công phu bởi nguyên liệu chính là gạo nếp nhưng các phụ liệu lại khá nhiều, mỗi loại nguyên liệu lại có một cách xử lý riêng. Gạo nếp làm bánh được chia làm 2 phần, một phần đồ xôi với nước quả gấc tạo nên màu hồng thắm; phần còn lại đồ xôi với nước quả dành dành tạo nên màu vàng tươi. Hai loại xôi này đều được giã bằng chày như làm bánh dầy.
Sau khi giã nhuyễn đều, cán mỏng, cắt thành lát như mứt bí, được sấy khô, rồi cho vào chảo mỡ lợn đang sôi đảo đều tới khi lát bánh thơm giòn. Các nguyên liệu phụ như lạc, vừng được rang chín giòn, xát bỏ vỏ. Thóc nếp hoa vàng được rang nổ bỏng, nở tung, sạch trấu, dậy mùi thơm. Mỡ lợn khẩu muối đường hơn nửa tháng, đem ra thái nhỏ như hạt lựu, xào ngọt lấy độ trong, giòn. Cà rốt xào nước đường, nước gừng, vỏ quýt tươi được chuẩn bị đầy đủ.
Cho các nguyên liệu đã chuẩn bị trộn đều với đường mía, hâm nóng trên chảo đến khi đạt tới mùi thơm kỹ thuật thì đưa vào khuôn gỗ được chuẩn bị sẵn có lót vừng bên trong, nhồi nén cho bánh trở nên cứng, sau đó lấy ra cho vào bao bì, ta sẽ được bánh cáy thành phẩm. Bánh không phơi nắng, không sấy qua lửa nhưng để được rất lâu nếu làm đúng kỹ thuật.
Bản sắc quê hương
Xưa kia bánh cáy làng Nguyễn được làm hoàn toàn thủ công. Những năm gần đây, người dân làng Nguyễn bắt đầu áp dụng máy móc vào khâu sản xuất. Nhưng để sản xuất ra những chiếc bánh ngon lại thuộc về tâm huyết của những người thợ đã bao đời nay gắn bó với món ăn cổ truyền của quê hương. Bánh cáy ngon là vừa đủ độ dẻo, ngọt, gạo nếp, lạc vừng dậy mùi. Cắn miếng bánh thấy lạ miệng khi trong đó có mứt bí, gừng tươi cay nồng, tinh dầu hương bưởi quyến rũ, ăn bánh cáy mà uống thêm chén trà nóng là “đúng điệu”.
Vì cuộc sống mưu sinh, người Thái Bình có khi phải bôn ba khắp các tỉnh trong Nam ngoài Bắc, đi đến đâu họ cũng mang theo phong bánh cáy làm quà coi như một lời giới thiệu về quê hương. Ngày lễ tết, cúng giỗ tổ tiên trên bàn thờ mỗi gia đình người Thái Bình không thể thiếu phong bánh cáy. Bánh cáy làng Nguyễn qua thời gian đã góp phần trở thành một đặc sản, một biểu tượng văn hóa ẩm thực của quê lúa Thái Bình./.