Category
Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt mốc 400 tỷ USD (12/25/2017)

Chiều 19/12, tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan tổ chức Lễ ghi nhận xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt mốc 400 tỷ USD.

Theo Tổng cục Hải quan, nhìn lại chặng đường xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những năm qua cho thấy bước tiến mạnh mẽ của hoạt động xuất khẩu nhập khẩu.

Bước vào đầu thập niên của thế kỷ 21 (năm 2001), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam mới chỉ ở con số khiêm tốn hơn 30 tỷ USD. 

Sau 6 năm (năm 2007), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đã đạt con số 100 tỷ USD, sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

4 năm sau (năm 2011), quy mô xuất nhập khẩu đã tăng gấp đôi, đạt con số 200 tỷ USD. Con số 300 tỷ USD tiếp tục đạt được với khoảng thời gian tương tự - sau 4 năm (năm 2015).

Rút ngắn một nửa thời gian, chỉ cần 2 năm tiếp theo (khoảng giữa tháng 12 năm 2017), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã chinh phục mức 400 tỷ USD.

Tính từ năm Việt Nam chính thức gia nhập WTO đến nay (sau 10 năm), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã tăng gấp 4 lần.

Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam từ mức 30 tỷ USD tăng lên 400 tỷ USD “có thể coi là kỳ tích”. Bởi lẽ vào những năm đầu thập kỷ 90, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam mới đạt 2,5 tỷ USD. Lúc đó kim ngạch xuất nhập khẩu của cả châu Phi là 26 tỷ USD. Cho đến nay, cả châu Phi kim ngạch xuất nhập khẩu chưa qua 100 tỷ USD, mà Việt Nam đã đạt 400 tỷ. Nhờ đó, vị thế Việt Nam trên bản đồ thế giới trong giao thương quốc tế có sự cải tiến rõ rệt.

Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng từ vị trí 50 trong năm 2007 lên vị trí 26 trong năm 2016. Trong khi đó, nhập khẩu của Việt Nam cũng tăng lên từ vị trí thứ 41 trong năm 2007 lên vị trí 25 trong năm 2016 và chắc chắn sẽ tiếp tục tăng bậc trong năm 2017.
Cùng với việc gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, cán cân thương mại của Việt Nam cũng có sự thay đổi rõ rệt. Nếu như giai đoạn 2007 – 2015 hầu hết Việt Nam rơi vào trạng thái nhập siêu (trừ năm 2012 – 2013) thì năm 2016 Việt Nam đã xuất siêu 1,78 tỷ USD. Dự kiến cả năm 2017 xuất siêu 3 tỷ USD.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, điều này góp phần làm cán cân thanh toán cải thiện rõ rệt, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá, kiểm soát lạm phát. Thành tích này cũng góp phần làm cho Việt Nam lần đầu tiên sau nhiều năm hoàn thành và hoàn thành vượt định mức cả 13/13 chỉ tiêu kinh tế – xã hội.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, thành công của ngành Hải quan và Bộ Tài chính trong năm vừa qua đã rất nỗ lực cải cách hành chính, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập Ủy ban Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, cắt giảm các thủ tục hải quan, đặc biệt là đặt mục tiêu cắt giảm 50% thủ tục hải quan chuyên ngành.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính và các bộ liên quan phải tiếp tục rà soát các thủ tục hải quan chuyên ngành. “Nhà nước chỉ tập trung xây dựng quy trình thủ tục, còn công tác kiểm tra phải ưu tiên kêu gọi xã hội hoá, tư nhân tham gia đầu tư thiết bị, các trung tâm kiểm định thiết bị, đo lường”, Phó Thủ tướng nói.

Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan tiếp tục hiện đại hoá hải quan tới năm 2020 theo Chiến lược mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phát triển thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến, nâng cao năng lực quản lý hải quan, tạo thuận lợi cho thông quan, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh cả về hàng hoá, con người và phương tiện.

Tại Lễ ghi nhận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong thời gian tới ngành tài chính tiếp tục cùng các bộ, đơn vị, địa phương nỗ lực đưa ra các giải pháp thiết thực hơn nữa để giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng, mục tiêu của ngành là đón nhận thêm kỷ lục mới cả về chất và lượng, đặc biệt là có thể cán mốc kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mốc 500 tỷ USD trong 2 năm tới./.

Theo dangcongsan.vn

Advertisement