Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự họp có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thành phố.
Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 300 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trong đó có 232 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu thường xuyên. Một số doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn như Công ty MXP, Công ty TNHH Minh Trí, Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân, Công ty Cổ phần Damsan... Toàn tỉnh hiện có trên 30 doanh nghiệp nhập khẩu với kim ngạch từ 1 triệu USD/năm trở lên.
Năm 2017, do nhu cầu mở rộng thị trường, một số doanh nghiệp thực hiện việc đầu tư mở rộng sản xuất, tích cực tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu. Một số doanh nghiệp bắt đầu thực hiện xuất khẩu như Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình, Công ty Bánh kẹo Bảo Hưng, Công ty Dược Khải Hà...Tuy nhiên hoạt động xuất nhập khẩu còn gặp nhiều khó khăn do thị trường cạnh tranh, bất ổn định chính trị, chính sách bảo hộ sản xuất ở một số nước. Kết quả 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 673,6 triệu USD, tăng 3,7%, kim ngạch nhập khẩu đạt 638,7 triệu USD, tăng 3,92% so với cùng kỳ.
Lãnh đạo Chi cục Hải quan phát biểu trả lời các ý kiến của các doanh nghiệp.
Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam, các doanh nghiệp đã tập trung thảo luận về những nguyên nhân, hạn chế dẫn tới tình trạng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu thấp, việc không thực hiện kê khai các nghĩa vụ trên địa bàn tỉnh, những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và các giải pháp đẩy mạnh kim ngạch xuất nhập khẩu.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh 5 nguyên nhân cơ bản dẫn tới kim ngạch xuất nhập khẩu thấp, trong đó sự phối hợp của các cơ quan chức năng của tỉnh chưa thật sự quyết liệt, chưa sâu sát, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện kê khai nghĩa vụ; công tác cải cách thủ tục hành chính chưa thật tốt, công tác truyền thông chưa kịp thời động viên những doanh nghiệp tiêu biểu và phê phán những doanh nghiệp chưa thực hiện nghĩa vụ đối với tỉnh...
Từ nguyên nhân trên, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Công Thương, Chi cục Hải quan và các ngành có liên quan khẩn trương, chủ động rà soát lại những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, báo cáo UBND tỉnh xem xét giải quyết nếu không tự giải quyết được. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo chủ trương của tỉnh, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, kê khai điện tử, giảm bớt phiền hà cho doanh nghiệp. Các ngành cùng với Chi cục Hải quan tham mưu cho tỉnh sớm làm việc với các bộ, ngành trung ương để tái khởi động lại Cục Hải quan ở Thái Bình. Ngoài ra, các sở, ngành liên quan phải báo cáo một cách rõ ràng về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, việc kê khai thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước của các doanh nghiệp với tỉnh trước ngày 31/12 để có biện pháp xem xét, xử lý, động viên khen thưởng kịp thời. UBND các huyện, thành phố phải tự rà soát trách nhiệm của mình, tìm hiểu tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp. Đề nghị Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh cần vào cuộc xem xét, xử lý những doanh nghiệp không chấp hành các quy định của Nhà nước. Đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải tự rà soát để điều chỉnh lại chiến lược sản xuất kinh doanh cho phù hợp, rà soát lại những văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước.
Thu Thủy