Theo nhiều doanh nghiệp vận tải, họ hoàn toàn đồng tình trước chủ trương giảm giá cước khi giá nhiên liệu giảm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cho rằng, trong hoạt động vận tải, xăng dầu chỉ chiếm khoảng 30% giá thành, còn nhiều chi phí khác mà doanh nghiệp vẫn phải tính vào giá vé như khấu hao xe, vật tư phụ tùng, bến bãi, phí cầu đường... Vì vậy, doanh nghiệp chưa thể giảm giá thêm được. Ông Bùi Duy Hoàn, Giám đốc Công ty Cổ phần Xe khách Thái Bình cho biết: Trong hoạt động vận tải, ngoài yếu tố xăng dầu chiếm khoảng 30% giá thành còn nhiều chi phí khác doanh nghiệp phải bỏ ra mới hoạt động được như giá xe, vật tư phụ tùng, bến bãi… Tất cả đều “leo thang” trong suốt thời gian qua, đội chi phí của doanh nghiệp lên rất nhiều. Đó là một trong những lý do khiến cho giá xăng dầu đã giảm nhưng các doanh nghiệp xe khách liên tỉnh vẫn khó giảm giá cước. Bên cạnh đó, giá xăng thường giảm nhỏ giọt nên các doanh nghiệp phải chờ một mức giảm nhiều hơn mới điều chỉnh giá. Mỗi lần điều chỉnh tăng hoặc giảm giá cước, doanh nghiệp phải tổ chức in ấn lại hóa đơn, bảng niêm yết giá, kẹp chì lại đồng hồ nên rất mất thời gian và tốn kém chi phí. Trong thời gian tới, nếu giá xăng dầu tiếp tục giảm, Công ty sẽ tính toán để giảm giá cước vận tải, bảo đảm quyền lợi cho người dân và khách hàng.
Ông Lưu Huy Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng Hà cho biết: Với hơn 300 đầu xe các loại nên việc tăng hay giảm giá cước đối với doanh nghiệp đều rất khó khăn. Trước khi tăng hoặc giảm giá cước, doanh nghiệp phải xem xét sự chênh lệch, nếu như giá xăng dầu tăng hoặc giảm không quá 10% thì doanh nghiệp chưa tiến hành điều chỉnh giá cước. Chỉ tính riêng trong năm 2015, Công ty đã điều chỉnh giá cước vận tải 3 lần, trong đó có 2 lần giảm và 1 lần tăng. Mặc dù vừa qua, giá xăng dầu giảm nhưng Công ty chưa tiến hành điều chỉnh giá cước là do trước đó, trong tháng 1/2016, khi giá xăng dầu giảm, Công ty đã chủ động tính toán lại giá thành, giảm giá cước vận tải hành khách từ 3 - 12% đối với tất cả các loại hình vận tải, từ xe taxi, xe buýt và tuyến cố định. Hiện nay, giá vé tuyến Thái Bình - Hà Nội đang được Công ty thu là 70.000 đồng/người/lượt; giá vé tuyến Thái Bình - Cẩm Phả là 75.000 đồng/người/lượt; giá vé tuyến Thái Bình - Mông Dương là 95.000 đồng/người/lượt…
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Huy Quang, Trưởng phòng Quản lý vận tải và an toàn giao thông, Sở Giao thông Vận tải cho biết: Sở Giao thông Vận tải vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô, tuyến cố định, taxi, container trên địa bàn rà soát, kê khai lại giá cước vận tải sau khi giá xăng dầu liên tiếp giảm. Công văn nêu rõ, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước tiếp tục điều chỉnh giảm. Đến 15 giờ ngày 18/2/2016, giá xăng lại được điều chỉnh giảm, trong đó xăng Ron 92 giảm 961 đồng/lít sẽ tác động đến giá cước vận tải bằng xe ô tô, đặc biệt là xe taxi. Để tiếp tục giảm giá cước vận tải, bình ổn giá cả các mặt hàng trên thị trường, bảo đảm quyền lợi cho người dân, hành khách và các tổ chức liên quan, Sở Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh khẩn trương rà soát lại các chi phí đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu để thực hiện kê khai giảm giá cước. Đối với các doanh nghiệp vận tải hành khách, Sở yêu cầu các doanh nghiệp phải thu đúng giá cước đã niêm yết, đồng thời thực hiện đăng ký kê khai, niêm yết giá vé theo đúng quy định. Để triển khai đồng bộ việc giảm giá cước vận tải, Sở Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các đơn vị vận tải trên địa bàn thực hiện kê khai và niêm yết giá cước theo quy định, bảo đảm nguyên tắc điều chỉnh giảm giá cước vận tải phù hợp theo giá nhiên liệu.
Phạm Hưng - Báo Thái Bình