Từ bùng nổ đến bán tháo
Năm 2004, nhiều nước rộ lên những vụ trộm nắp cống mà Trung Quốc được cho là nơi “dẫn đầu thế giới”: chỉ trong hai tháng, Thượng Hải diễn ra hơn 1.500 vụ, khiến ít nhất tám người chết do tai nạn vì mất nắp cống.
Chuyện được nhiều tờ báo kinh tế thế giới lúc đó đưa tin đậm, không phải chỉ vì vấn đề trộm cắp, không hẳn là chuyện an toàn công cộng, mà vì đó là dấu hiệu cho thấy nhu cầu cho kim loại và kim loại tái chế đã tăng cao khẩn cấp đến mức xảy ra tình trạng đó.
Chỉ mới một thập niên kể từ thời điểm báo hiệu một kỷ nguyên mới cho thị trường hàng hóa nguyên liệu do nhu cầu từ Trung Quốc, gọi là “bùng nổ khai thác tài nguyên” khiến thế giới thay đổi chóng mặt. Châu Phi tràn ngập các kỹ sư Trung Quốc, Úc phải bầu một bộ trưởng biết nói tiếng Hoa, các thị trường mới nổi từ Argentina cho đến Zambia tận hưởng giá đất nông nghiệp và đất các khu vực mỏ tăng cao. Đô la Mỹ - đồng tiền dùng để tính giá hàng nguyên liệu - yếu càng đẩy mạnh cơn bùng nổ khai thác mỏ này.
Giờ đây mọi chuyện đang diễn ra ngược lại. Từ trước “thứ Hai đen tối”, đô la Mỹ mạnh lên đã là một cú đánh vào giá hàng nguyên liệu, nhiều mặt hàng rớt giá xuống thấp hơn mức cách đây 10 năm, trong khi các hàng hóa giao thương khác không chịu chung số phận này. Kinh tế Mỹ đang mạnh dần lên, nhưng dù có phục hồi tới cỡ nào cũng không thể bằng “phong độ” nhu cầu của Trung Quốc, vốn tiêu thụ một nửa lượng sắt, nhôm và kẽm của cả thế giới.
Kenneth Rogoff, Giáo sư kinh tế của Đại học Harvard, người từng cảnh báo “Trung Quốc sẽ là nguồn bất ổn kinh tế toàn cầu lớn nhất thời gian tới”, nói, kinh tế Trung Quốc là ví dụ điển hình kiểu niềm tin “lần này chuyện sẽ khác”. Đất nước này liên tục trấn an người dân của mình và các nước khác rằng sẽ giải quyết tốt đẹp các khoản nợ. Nhưng “nợ rất lớn, rất dễ gây tổn thương cho nến kinh tế”, ông Rogoff nói. Nợ tăng từ mức 7.000 tỉ đô la năm 2007 lên 28.000 tỉ giữa năm 2014, chiếm 282% GDP nước này, trong đó hơn một nửa là trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến bất động sản.
Các nhà phân tích cho thấy không phải mọi hàng hóa đều có cơ chế tăng-giảm giá cùng lúc. Giá than bắt đầu giảm từ năm 2011; dầu thô trụ lại đến giữa năm 2014; giá hàng nông sản bấp bênh theo thời tiết. Nhưng luồng sợ hãi chung nhất về kinh tế của Trung Quốc vốn đã dấy lên từ những tuần gần đây, một phần từ cuộc vỡ bong bóng thị trường chứng khoán và đồng nhân dân tệ bất ngờ bị phá giá tháng này, đến vụ nổ ở Thiên Tân… Và đến đầu tuần này, cú sốc thị trường chứng khoán Trung Quốc ngay lập tức tạo ra cuộc bán tháo hàng hóa không gì kìm giữ nổi.
Paul Gait, nhà phân tích của Bernstein, nói: “Đang có cơn sợ hãi lan rộng và người ta bán tháo mọi thứ “có mùi” Trung Quốc”.
Ngày “Bán xôn” tài nguyên Tình hình thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm mạnh xuất hiện trên trang đầu khắp các tờ báo lớn quốc tế suốt những ngày này. Thứ Hai đầu tuần được gọi là ngày “thứ Hai đen tối”, ngày các thị trường từ dầu thô đến hàng hóa, chứng khoán khắp các châu lục sụt giảm “tồi tệ nhất”. Giá dầu thô tại Mỹ xuống còn 37,75 đô la/thùng, thấp nhất kể từ tháng 2-2009, còn giá dầu Brent xuống chỉ còn 42,23 đô la/thùng, cũng thấp nhất từ tháng 3-2009. Chỉ số giá hàng hóa Bloomberg từ lúa mì cho đến khí gas giảm thêm 3% xuống mức thấp nhất từ năm 1999, giảm 40% trong vòng ba năm qua. Các mặt hàng kim loại cơ bản giảm mạnh, giá đồng và nhôm rớt xuống thấp nhất trong sáu năm, và nikel - kim loại dùng sản xuất thép không gỉ, rớt thêm 6,4% trên sàn mua bán kim loại London. |
Tắt những hy vọng cuối cùng
Cơn bán tháo đầu tuần này có vẻ là một cú sốc “tỉnh ngộ” đối với các nhà sản xuất. Bởi lẽ dù giá hàng hóa giảm đã xảy ra một thời gian nhưng cung vẫn tăng cao ở hầu hết mọi mặt hàng nguyên liệu thô, và vấn đề lớn hơn là có vẻ các nhà sản xuất và khai thác chưa chấp nhận sự thật đó. Vốn vẫn tiếp tục đổ vào các khu mỏ, với khả năng sản lượng có thể dùng cho ít nhất cả thập niên. Jeff Currie của Ngân hàng Goldman Sachs, nói thế giới có thể phải mất 15 năm nữa để giải quyết hậu quả của việc đầu tư quá tay này.
Trong năm nay, hầu hết các mặt hàng chính yếu: năng lượng, kim loại công nghiệp và nông sản, đã giảm khoảng 10-20%, do tác động của con người.
Nguồn cung vẫn tăng bởi ba yếu tố chính. Việc cắt giảm chi phí khiến các nhà sản xuất cho rằng họ có thể đắp đổi cho mức giá thấp một thời gian nữa. Các nhà sản xuất lớn, dù là các vua dầu mỏ OPEC hay các trùm khai thác mỏ toàn cầu, vẫn mong tăng thị phần hơn nữa. Và nhất là vốn vẫn còn sẵn.
Trong thế giới dầu, việc cắt giảm chi phí là do các nhà sản xuất từng cho rằng đó là cách chống lại việc sản xuất dầu đá phiến. Chi phí thấp có thể đem lại cảm giác an toàn giả tạo về giá: khi giá dầu thô tạm thời tăng lên ở Mỹ đầu năm, số lượng các giếng dầu cũng tăng lên. Nhưng chỉ thời gian ngắn sau đó giá lại giảm xuống.
OPEC khai thác nhiều hơn chỉ tiêu 30 triệu thùng dầu/ngày, khiến giá dầu xuống thấp hơn 47 đô la/thùng giữa tháng 8, thấp nhất kể từ tháng 3-2009. Nếu họ định làm nhụt chí các nhà sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ thì tác dụng thực tế là ngược lại: việc này lại khiến dầu đá phiến được sản xuất hiệu quả hơn. Các nhà sản xuất đã giảm một phần ba chi phí sản xuất dầu đá phiến và tiếp tục tăng sản lượng gây thêm áp lực lên giá dầu.
Tuy nhiên, yếu tố tác động đến giá dầu gần nhất vẫn còn đang phát huy tác dụng. Ảrập Saudi, nhà sản xuất thế lực nhất trong liên minh OPEC, không muốn nói đến cắt giảm sản lượng. Nếu thỏa thuận hạt nhân với Iran được Quốc hội Mỹ thông qua vào tháng tới, lượng dầu từng bị cấm vận sẽ bắt đầu được đưa vào thị trường.
Trong khi đó, các nhà khai thác mỏ toàn cầu như BHP Billiton và Rio Tinto tiếp tục tăng sản lượng quặng sắt, dù giá quặng giảm. Họ đang cố gắng loại bỏ các đối thủ cạnh tranh ở Trung Quốc và nơi khác, theo các nhà phân tích.
Còn nguồn vốn vẫn tiếp tục đổ vào. Tomás Gutiérrez của Kallanish Commodities, một công ty phân tích thị trường, lưu ý rằng nguồn cung thép Trung Quốc đã đạt đỉnh. Tuy nhiên thay vì đối mặt với phá sản, nhiều nhà sản xuất thép kém hiệu quả vẫn được nhà nước bảo hộ. Phần thặng dư được xuất khẩu, càng tăng thêm áp lực vào thị trường thép toàn cầu.
Ben Tsocanos, nhà phân tích năng lượng của Standard & Poor’s, cho rằng nếu giá dầu vẫn thấp, sẽ có phá sản hàng loạt ở nhóm các nhà sản xuất nguy cơ cao, vì hầu hết các dự án sản xuất đều rất khó có lãi với mức giá 40 đô la/thùng.
Tờ The Economist nhận xét rằng, với tình hình này, khi giá rớt đủ sâu và đủ lâu, các nhà sản xuất lớn sẽ “nuốt” các nhà sản xuất nhỏ và đóng cửa các khu vực sản xuất yếu kém. Và thế là một vòng kỷ nguyên-thập kỷ mới sẽ bắt đầu.
(TBKTSG - Tổng hợp)