Danh mục
Ngành Công Thương Thái Bình: 70 năm xây dựng và trưởng thành (17-05-2021)
70 năm qua, ngành Công Thương Thái Bình đã có bước phát triển vượt bậc, góp phần vẻ vang cùng cả nước thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước và đưa kinh tế - xã hội của tỉnh không ngừng khởi sắc. Ngành Công Thương đóng góp hơn 80% GRDP của tỉnh.

Vượt lên gian khó

Trong giai đoạn 1946 - 1954, thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, ngành Công Thương Thái Bình quy mô còn nhỏ, chủ yếu sản xuất nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và kinh doanh lấy lãi để có thêm kinh phí cho Đảng hoạt động lãnh đạo các phong trào đấu tranh cách mạng và phục vụ một phần đời sống dân sinh.

Khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, thực hiện nhiệm vụ cải tạo công thương nghiệp tư doanh, phát triển kinh tế công thương nghiệp nhà nước và tập thể, nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân, chỉ trong 3 năm (1957 - 1959) Thái Bình đã căn bản hoàn thành hợp tác hóa với 82 HTX thủ công nghiệp, 35 tổ hợp tác sản xuất, 404 tổ gia công với trên 26.600 thợ thủ công... Mậu dịch quốc doanh phát triển nhanh chóng, gắn kết chặt chẽ với cơ sở sản xuất công nghiệp thực hiện nhiệm vụ lưu thông phân phối phục vụ tiêu dùng của nhân dân và cung ứng vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội.

Giai đoạn 1960 - 1975, thời kỳ đất nước vừa có hòa bình vừa có chiến tranh, với tinh thần lao động sáng tạo, vượt khó, ngành Công Thương Thái Bình được tổ chức lại, củng cố và phát triển. Khởi điểm chỉ có 1 xưởng cơ khí Thái Bình, một vài xí nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, các HTX thủ công, tổ hợp tác, tổ gia công, đến năm 1965 toàn tỉnh đã có 20 xí nghiệp bao gồm: công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến gỗ, thực phẩm, cơ khí, may mặc... Các cơ sở tiểu thủ công nghiệp từng bước tiến lên nửa cơ giới và cơ giới, tập trung quy mô lớn hơn.

Giá trị sản lượng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm 1965 tăng 39% so với năm 1960. Mậu dịch quốc doanh tiếp tục được củng cố, giữ vai trò chủ đạo trong lưu thông, phân phối hàng hóa. Năm 1965, doanh số mua bán tăng 16 lần, hệ thống cửa hàng bán lẻ tăng 20 lần so với năm 1955, HTX mua bán được thành lập rộng khắp từ tỉnh đến huyện, xã, tạo cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng.

Không ngừng lớn mạnh

Khi đất nước thống nhất, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, Thái Bình cùng cả nước bước vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, tái thiết đất nước. Từ năm 1976 - 1985, ở Thái Bình, các HTX thủ công phát triển với quy mô lớn, nhiều làng nghề truyền thống như dệt, thêu, đúc, rèn, chạm bạc... được khôi phục và phát triển nở rộ. Năm 1980, toàn tỉnh có 109 HTX thủ công nghiệp thuộc các lĩnh vực như cơ khí, chế biến gỗ, chế biến thực phẩm, dệt... Những cái tên đã đi vào lịch sử và trở thành niềm tự hào của Thái Bình như Đoàn Kết, Phương Đông, Bình Minh, Cộng Lực, Bắc Sơn, Vĩnh Long, Vĩnh Trà... Bên cạnh đó, hàng loạt xí nghiệp công nghiệp quốc doanh ra đời như xí nghiệp xe đạp, xi măng, cấu kiện gỗ, chiếu... Trong những năm từ 1976 - 1985, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh phát triển mạnh, chiếm 16 - 17% tổng sản phẩm của tỉnh. Lần đầu tiên Liên Xô (cũ) giúp ta khoan thăm dò dầu khí tại khu vực huyện Tiền Hải đã đặt nền móng và mở ra ngành công nghiệp khai thác, sử dụng khí đốt của Thái Bình.

Bước vào thời kỳ thực hiện công cuộc đổi mới, giai đoạn 1986 - 1995, ngành Công Thương Thái Bình có sự bứt phá, phát triển toàn diện. Toàn tỉnh tập trung xây dựng và thực hiện chiến lược: khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển công nghiệp, hợp tác liên doanh với công nghiệp trong và ngoài nước, tiếp thu khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao. Đồng thời, phát triển mạnh mẽ tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn và hướng mạnh vào khai thác tiềm năng, thế mạnh về nguyên liệu, nhiên liệu, lao động của địa phương. Giá trị sản xuất công nghiệp từ năm 1992 đến năm 1995 tăng trưởng khá cao, trên 20%/năm.

Mặc dù trong giai đoạn này gặp nhiều khó khăn do thay đổi cơ chế quản lý, thị trường Liên Xô và Đông Âu khủng hoảng nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, lĩnh vực thương mại của Thái Bình đã có những thay đổi kịp thời để thích ứng. Thương mại quốc doanh được củng cố, thương mại tư nhân được quan tâm phát triển theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Do đó, hoạt động thương mại diễn ra rộng khắp, làm cho thị trường phát triển sống động. Giai đoạn 1991 - 1995, tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa tăng nhanh, bình quân 24,45%/năm; hoạt động xuất nhập khẩu được khôi phục, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 1995 đạt 46,38 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 18,13 triệu USD.

Những năm 1996 - 2015 được coi là bước ngoặt lớn đối với ngành Công Thương Thái Bình. Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần, tỉnh đã chỉ đạo đổi mới công tác quản lý, thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, phát triển công nghiệp tập trung, nghề và làng nghề. Tỉnh đã quy hoạch 9 khu công nghiệp, 51 cụm công nghiệp đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và nghề tiểu thủ công nghiệp của các địa phương. Đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 540 dự án đầu tư sản xuất công nghiệp với số vốn đăng ký 94.700 tỷ đồng, trong đó 390 dự án đã đi vào sản xuất với số vốn đầu tư trên 22.500 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 110.000 lao động.

Cũng trong giai đoạn này, Trung tâm điện lực Thái Bình được đầu tư; công tác khoan thăm dò bể than đồng bằng sông Hồng được Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam triển khai thực hiện; Nhà máy sản xuất Amon Nitrat được đầu tư; hệ thống thu gom và phân phối khí mỏ đưa từ ngoài khơi vào khu công nghiệp Tiền Hải đã hoàn thành đầu tư đi vào sản xuất ổn định, tạo giá trị sản xuất lớn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển công nghiệp của tỉnh.

Trong những năm 2016 - 2020, ngành Công Thương Thái Bình đã tích cực thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành, mang lại những kết quả tích cực. Hết năm 2019, toàn tỉnh có 47.800 cơ sở sản xuất công nghiệp trong đó có 18 doanh nghiệp quốc doanh, 4.599 doanh nghiệp dân doanh và 43.113 hộ cá thể; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có 70 doanh nghiệp. Lao động trong toàn ngành công nghiệp năm 2019 đạt 213.649 người. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp 5 năm 2016 - 2020 đạt 284.420 tỷ đồng, tăng bình quân 14,3%/năm, cao hơn so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra (13,5%/năm).

Kết cấu hạ tầng thương mại của tỉnh được đầu tư xây dựng và nâng cấp, đã thu hút đầu tư nâng cấp hệ thống chợ và hoàn thành một số siêu thị, trung tâm thương mại đạt chuẩn, góp phần thay đổi diện mạo đô thị, thay đổi phương thức mua sắm của nhân dân và phát triển lĩnh vực thương mại theo hướng hiện đại, văn minh. Trong 5 năm 2016 - 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 200.238 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 10,1%/năm; kim ngạch xuất khẩu đạt 7.410 triệu USD, tăng trưởng bình quân 2,7%/năm; kim ngạch nhập khẩu đạt 6.650 triệu USD, tăng trưởng bình quân 1,6%/năm. Tỉnh đã hoàn thành đầu tư Nhà máy nhiệt điện Thái Bình với tổng công suất 600MW vận hành thương mại ổn định. Đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống lưới điện phân phối; tốc độ tăng trưởng Pmax khu vực Thái Bình khoảng 12,5%/năm, tốc độ tăng trưởng sản lượng điện khoảng 10%/năm, hoạt động cung cấp điện cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Viết tiếp trang sử vàng

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, phấn đấu tạo nên những mốc son mới trong lịch sử phát triển, ngành Công Thương Thái Bình đã đề ra phương hướng, mục tiêu cụ thể. Trước mắt, phấn đấu trong 5 năm 2021 - 2025 giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 15,9%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 10,1%; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 10%; kim ngạch nhập khẩu tăng bình quân 9,5%.

Để hoàn thành được mục tiêu đó trong bối cảnh có nhiều khó khăn do dịch bệnh, khủng hoảng thị trường thế giới, ngành Công Thương Thái Bình đã đề ra 5 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Cụ thể, toàn ngành ra sức thi đua đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Công Thương gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; xây dựng kết cấu hạ tầng công nghiệp và thương mại đồng bộ, hiện đại; nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại; nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy chuyển đổi số.

Nguồn: Báo Thái Bình

 

Quảng cáo