Danh mục
Hiệu quả chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số (26-10-2021)
Thông tin minh bạch, tăng tính cạnh tranh thị trường giữa các doanh nghiệp, mang đến cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất, tăng năng suất, giảm chi phí, mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu ngay cả trong khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đó là những lợi ích mà các doanh nghiệp thu được sau khi chuyển đổi số.

Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi tổng hợp xã Đông Xuyên (Tiền Hải) có 19 hộ xã viên chăn nuôi vịt biển. Sản phẩm chính của HTX là vịt biển thương phẩm và trứng vịt biển đã đạt sản phẩm OCOP. Trước đây, các sản phẩm của HTX bán ở chợ truyền thống, sản lượng tiêu thụ không ổn định và hay bị thương lái ép giá. Tuy nhiên, từ khi HTX xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, ứng dụng công nghệ mã vạch, mã QR Code minh bạch thông tin và đưa hàng hóa lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) thì số lượng khách hàng tăng, giá cả ổn định nên các hộ xã viên yên tâm mở rộng quy mô sản xuất. 

Ông Ngô Văn Duẩn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX cho biết: Được Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ, HTX đã nhanh chóng tiếp cận chuyển đổi số trong một số khâu sản xuất, kinh doanh. Sản phẩm làm ra có thương hiệu, bán trên các sàn TMĐT cho giá trị kinh tế cao hơn so với trước 2 - 3 lần. Hiện nay, mỗi tháng HTX sản xuất và cung ứng ra thị trường 1 vạn con vịt thương phẩm, 12 - 13 vạn quả trứng vịt biển Đông Xuyên, doanh thu đạt khoảng 7 tỷ đồng/năm.

Còn Công ty TNHH Thực phẩm Bảo An T&V (xã Song An, huyện Vũ Thư) nổi tiếng với các sản phẩm giò, chả, xúc xích mang thương hiệu Vương An nhờ quảng bá sản phẩm trên sàn TMĐT của tỉnh và một số chợ, sàn TMĐT lớn như voso, postmart, tuhaoviet... Từ khi kinh doanh trên các kênh TMĐT, sản lượng và doanh thu của Công ty tăng liên tục, bình quân 20% năm. 

Ông Hoàng Văn Vượng, Giám đốc Công ty chia sẻ: Sản phẩm của chúng tôi làm ra có chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng ban đầu rất khó khăn trong khâu tiêu thụ do chỉ bán tại các chợ truyền thống. Sau khi được Sở Công Thương hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận TMĐT đã giúp chúng tôi nhanh chóng quảng bá thương hiệu, sản phẩm tới đông đảo người tiêu dùng, doanh số bán hàng tăng nhanh chóng. Hiện khách hàng của chúng tôi không bó hẹp trong tỉnh Thái Bình mà khắp các địa phương trong cả nước. Quy mô sản xuất của Công ty mở rộng, thu nhập của người lao động cũng tăng lên, bình quân đạt 8 triệu đồng/người/tháng.

Nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp, thời gian qua, Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị tổ chức 4 khóa tập huấn về TMĐT cho gần 1.000 sinh viên khối ngành kinh tế của Trường Đại học Thái Bình và các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh; 11 hội nghị phổ biến, tuyên truyền pháp luật về TMĐT, các kỹ năng ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cho hàng trăm doanh nghiệp và thanh niên khởi nghiệp. 

Bà Ngô Thị Liên, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu - Hội nhập kinh tế, Sở Công Thương cho biết: 5 năm qua, chúng tôi đã hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp kết nối sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu trên các sàn TMĐT lớn trong nước và quốc tế. Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, hỗ trợ xây dựng website, xây dựng và hỗ trợ các giải pháp công nghệ số cho doanh nghiệp như mã vạch, mã QR Code, chíp NFC, công nghệ blockchain... phục vụ truy xuất nguồn gốc, xuất xứ.

Toàn tỉnh hiện có hơn 7.300 doanh nghiệp, trong đó khoảng 40% doanh nghiệp có website để quảng bá thông tin, hình ảnh sản phẩm, 90% doanh nghiệp sử dụng email và các ứng dụng hỗ trợ giao tiếp như Viber, Facebook Messenger, Zalo để trao đổi, giao dịch với khách hàng. 50% doanh nghiệp ứng dụng các phần mềm chuyên dụng trong hoạt động quản lý và sản xuất, kinh doanh để phát triển giao dịch TMĐT mô hình B2B và B2C. 100% doanh nghiệp sử dụng chữ ký số trong khai báo thuế, hải quan và một số hệ thống chuyên ngành như ecosys... Đây là kết quả rất đáng ghi nhận trong quá trình số hóa và khai thác dữ liệu số phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. 

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Thái Việt (phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình) cho biết: Nếu không có phần mềm quản lý và ứng dụng TMĐT thì một doanh nghiệp rất khó có điều kiện mở được chuỗi cửa hàng để đưa sản phẩm ra thị trường rộng lớn và cũng không có khả năng quản lý, nhất là đối với sản phẩm ngành Nông nghiệp như nuôi ong mật và sản xuất vật tư phục vụ nghề nuôi ong lấy mật. Sau 5 năm được Sở Công Thương hỗ trợ chuyển đổi số, chúng tôi thấy hiệu quả rõ rệt, doanh thu tăng gấp 5 - 6 lần so với trước, chi phí giảm và hoạt động quản trị doanh nghiệp dễ dàng hơn.

Thời gian qua, Sở Công Thương tích cực hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng TMĐT vào hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh. 

Ông Trần Huy Quân, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: 5 năm qua, từ nguồn ngân sách trung ương và của tỉnh, chúng tôi đã hỗ trợ 55 doanh nghiệp xây dựng website riêng, bộ thương hiệu trực tuyến, phần mềm quản lý dữ liệu khách hàng và xúc tiến bán hàng trực tuyến, hệ thống quản lý hoạt động xuất nhập khẩu trực tuyến. Đặc biệt, hỗ trợ đẩy mạnh hoạt động quảng bá thương hiệu, thông tin của các doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử uy tín như cổng thương mại điện tử quốc gia ecvn.com, trang tin điện tử tự hào hàng Việt Nam tuhaoviet.vn, cổng thông tin xuất nhập khẩu vietnamexport.com, trang tin điện tử diễn đàn hợp tác kinh tế Á - Âu asemconnectvietnam.gov.vn. Trên sàn giao dịch TMĐT của tỉnh ecthaibinh.com, Sở Công Thương đã xây dựng 232 gian hàng quảng bá miễn phí cho 1.969 sản phẩm của các doanh nghiệp trong tỉnh và liên kết quảng bá trên sàn TMĐT của các tỉnh, thành phố như Bắc Giang, Hải Phòng, Nghệ An..., góp phần giúp các doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với thông tin thị trường, giảm đáng kể thời gian, chi phí giao dịch, tiếp thị, phát triển quan hệ, tìm kiếm đối tác, giảm chi phí sản xuất, quản lý, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nguồn: Báo Thái Bình

Quảng cáo